Mì tươi ngày nay là món ăn phổ biến và được đông đảo người yêu thích, nhất là các bé nhỏ. Tuy bạn có thể dễ dàng mua được mì làm sẵn thế nhưng chắc chắn rằng để tự tay mình làm ra được những sợi mì yêu thích lại vừa đảm bảo chất lượng, không chất phụ gia thì ai cũng đều mong chờ. Hôm nay chúng tôi sẽ giúp bạn tự tay làm mì tươi tại nhà với máy nhào bột, thơm ngon và mềm dai. Đừng lo lắng vì làm mì tươi không hề khó như bạn nghĩ đâu. Hãy cùng bắt đầu nhé!
Lưu ý trước khi làm mì tươi
Trứng bột trong trường hợp này thường được chia theo tỷ lệ 1 trứng : 100gr bột. Điều đó có nghĩa là một mẻ làm 3 – 4 trứng sẽ đủ cho khoảng từ 4 – 6 người ăn.
Sử dụng trứng gà hay trứng vịt để làm mì tươi đều được. Quan trọng là bạn có sẵn nguyên liệu nào và bạn thích trứng nào hơn thôi.
Ngoài màu càng tươi vốn có từ trứng và nghệ, bạn cũng có thể làm cho mì của mình hấp dẫn và đặc sắc hơn bằng cách biến tấu các loại màu. Sử dụng lá dứa, lá cẩm, hay các màu thực phẩm để cho mì có màu sắc hơn. Lũ trẻ sẽ rất thích thú với một phần ăn đầy sắc màu như thế đấy!
Mì sau khi làm xong có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh và dùng trong khoảng 2 – 3 ngày.
Tùy theo sở thích mà một số người sẽ thay nước bởi sữa tươi. Sợi mì được làm bằng sữa sẽ thơm và béo hơn. Nhưng lưu ý với công thức này hãy dùng sữa tươi không đường nếu như không muốn mì của bạn có vị khác lạ.
Làm mì tươi tại nhà với máy nhào bột
Nguyên liệu
Bột bánh mì (bột mì số 11) hoặc bột mì đa dụng: 400gr
Trứng gà: 3 – 4 quả
Bột nghệ: ½ thìa cafe
Muối: ½ thìa cafe
Nước lọc: 20ml
Dầu ăn
Thực hiện
Bước 1: Nhồi bột
Ban đầu hãy cho khoảng 300gr bột mì cùng với muối và bột nghệ vào cối trộn bột. Tiếp đó đập trứng đã chuẩn bị sẵn vào chung với hỗn hợp trên.
Cho máy trộn bột vận hành để trộn đều hỗn hợp có trong cối. Trong lúc máy nhào bột nếu nhận thấy bột quá khô hãy cho thêm nước lọc vào một cách từ từ. Tránh trường hợp thêm nước liền 1 lần bột có thể sẽ bị nhão.
Đừng lo lắng nếu không có máy nhào bột bởi vì bạn cũng có thể thực hiện công đoạn này bằng tay. Hãy cho 300gr bột mì, muối và bột nghệ vào một cái tô lớn và trộn đều các nguyên liệu này với nhau. Tạo thành một cái lỗ ở giữa hỗn hợp giống như một cái giếng. Sau đó, đập trứng vào lỗ vừa tạo, lấp miệng lỗ từ từ và bắt đầu nhồi. Nếu thấy bột khô quá thì cũng có thể thêm từ từ nước vào. Việc nhào bột bằng tay cần phải lưu ý nhào thật kỹ vì nếu không bột sẽ rất dễ bị rách khi chúng ta cán.
Bước 2: Ủ bột
Cho máy chạy và đánh bột đến khi nhận thấy bột đạt được độ dẻo, mịn, sờ vào cảm nhận được tay không còn bị dính bột thì lúc này bột đã đạt yêu cầu.
Lấy bột ra và dùng màng bọc thực phẩm bọc khối bột lại. Có thể chia nhỏ khối bột ra làm 2 để dễ dàng hơn trong việc ủ. Cho khối bột đã bọc màng vào tủ lạnh để bột nghỉ. Thời gian này có thể sẽ mất khoảng 30 phút. Đừng để lâu quá vì nếu không bột sẽ bị chai hay cứng, khi cán rất khó.
Bước 3: Cán bột
Lấy bột đã ủ ra. Rắc một lớp bột áo lên mặt phẳng cán bột. Tốt nhất là nên sử dụng mặt đá của bếp, mặt gỗ phẳng hoặc miếng bìa mica. Đừng quên áo bột lên cả thanh cán để không bị dính.
Bắt đầu cán bột từ giữa ra và thỉnh thoảng rắc thêm một ít bột áo cho bột không dính vào cán và mặt sàn.
Để giữ cho bột không bị rách, khi bột đạt đến một kích cỡ nhất định hãy cuộn tròn miếng bột bằng cây cán và lật ngược lại. Tiếp tục cán mỏng cho đến khi miếng bột của bạn gần như trong suốt. Đừng lo mì sẽ dễ nát vì khi chín thì bột sẽ nở ra ít nhiều, lúc này mì sẽ có kích cỡ dày gấp đôi lúc bột sống.
Nếu có điều kiện hơn hãy sử dụng dụng cụ là máy cán mì trong công đoạn này nhé! Bạn sẽ thấy việc cán mì này dễ dàng hơn rất nhiều.
Bước 4: Tạo hình
Sau khi cán xong bạn hãy dùng phần bột cán mỏng này và thỏa thích tạo hình theo ý muốn. Có thể chia thành từng lá nhỏ để làm vỏ hoành thánh. Hay dùng khuôn để tạo hình ngộ nghĩnh. Và cũng có thể cắt thành sợi để có được sợi mì tươi ngon lành.
Ở công đoạn cắt mì này bạn có thể dùng tay để cắt vẫn đảm bảo được thẩm mỹ và chất lượng. Nếu không thì bạn cũng có thể dùng đến sự trợ giúp của những ống ép sợi mì và tạo ra sợi mì với các kích thước khác nhau một cách nhanh chóng.
Bước 5: Hong mì
Sau bước tạo hình cho mì, hãy sử dụng một cái mâm lớn được rắc một lớp bột áo mỏng rồi cho mì đã tạo hình lên trên. Đem đi hong gió trong khoảng 30 phút. Lưu ý là chỉ đem mì đi hong gió, hạn chế tối đa việc phơi nắng. Vì điều này sẽ làm cho mì bị cứng và không còn ngon nữa.
Bước 6: Luộc mì
Mì tươi chỉ cần nấu trong nước sôi có pha ít muối khoảng 3 – 5 phút là đã có thể sử dụng được. Đừng để mì ngâm trong nước sôi quá lâu vì như vậy sẽ làm sợi mì bị trương, mềm nhũn mất ngon.
Các công đoạn để làm ra mì tươi thật dễ phải không nào? Nhất là khi có sự trợ giúp của máy nhào bột, máy cán bột,… Còn chần chờ gì nữa mà không bắt tay vào làm ngay để đãi gia đình mình một bữa mì tươi thơm ngon và đảm bảo chất lượng nào! Chúc các bạn thành công!
Có thể bạn quan tâm: